메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

Greener Pastures

RÁC THẢI TRỞ THÀNH BÁU VẬT

Greener Pastures 2024 SPRING

RÁC THẢI TRỞ THÀNH BÁU VẬT Cuộc sống hàng ngày của chúng ta đã không thể sống thiếu nhựa, và rác thải từ nhựa, chủ yếu là nhựa dẻo và nhựa nilon, được dự án JUST PROJECT thu gom lại rồi biến chúng thành vật dụng hàng ngày. Họ nghiên cứu và phát triển đến khi nào rác thải từ “của nợ” thành “báu vật”. Đây là bộ sản phẩm giá đỡ làm từ nhựa tái chế. Một bộ bao gồm bốn khối, có thể dùng làm khay đựng trang sức, xà phòng hoặc làm đồ trang trí. ⓒ JUST PROJECT Định hướng tăng trưởng liên tục của chủ nghĩa tư bản khiến hoạt động sản xuất và tiêu dùng luôn được đẩy mạnh không ngừng. Kết quả là đã xuất hiện một kỷ nguyên của sản xuất dư thừa và tiêu thụ quá mức. Từ sản xuất, phân phối, đến tiêu thụ và thải bỏ, tất cả các quá trình này đều liên quan đến lượng khí thải carbon. Đây là lý do tại sao sản xuất và tiêu thụ quá mức bị xem là nguyên nhân chính dẫn đến khủng hoảng khí hậu. Đưa quan điểm đạo đức vào sản xuất và tiêu dùng Để tiến tới trung hòa carbon (lượng CO2 thải ra môi trường trong quá trình sản xuất tương đương với lượng CO2 được hấp thụ ngược trở lại – chú thích của người dịch), cần phải có ý thức đạo đức trong hoạt động sản xuất và tiêu dùng. Đối với phương thức sản xuất, văn hoá tạo ra những giá trị mới cho đồ vật bằng cách sử dụng nguồn nguyên liệu bị bỏ đi để thiết kế lại hoặc thay đổi mục đích sử dụng ban đầu (upcycle), đã trở thành một phong trào mang tầm ảnh hưởng lớn. Upcycle là một chủ đề được nêu ra vào năm 2002 bởi kiến trúc sư người Mỹ William McDonough và nhà hóa học người Đức Michael Braungart. Trong cuốn sách “Cradle to Cradle” (tạm dịch Cradle to Cradle: Thay đổi cách chúng ta sản xuất) năm 2003, các tác giả đã kêu gọi giải quyết vấn đề chất thải công nghiệp bằng cách hướng đến quy trình tuần hoàn của hệ sinh thái ngay từ khâu thiết kế sản phẩm. Họ kêu gọi tìm kiếm ý tưởng để tuần hoàn tài nguyên đồng thời xây dựng một hệ thống dựa vào công nghệ và thiết kế để các vật liệu vẫn có thể sử dụng có cơ hội tái sinh thành các sản phẩm mới mà không kết thúc cuộc sống của chúng trong thùng rác. Mặt khác, sản xuất có đạo đức phải đi kèm với tiêu dùng có đạo đức. Một trong những cách để thực hiện tiêu dùng đạo đức là chú tâm tìm hiểu những dự án như JUST PROJECT. Giá đỡ hình hộp làm từ nhựa tái chế. Nó có một rãnh ở giữa để có thể chèn danh thiếp, ảnh, hoặc nhang thơm vào. ⓒ JUST PROJECT Thay đổi xuất phát từ những việc bản thân muốn làm Có nhiều hình thức để giúp tuần hoàn tài nguyên. Nói một cách ngắn gọn, đó là cách chúng ta cân nhắc sử dụng một sản phẩm rồi tái sử dụng chúng. Chỉ khi nào chúng ta thực hiện tích cực và liên tục tất cả mọi hình thức thì mới có thể đạt được sự tuần hoàn hiệu quả cho trung hòa carbon. JUST PROJECT là một thương hiệu thiết kế đã không ngừng truyền tải thông điệp về tính bền vững trong suốt 12 năm qua. Công việc chính của họ là xem rác như nguồn nguyên liệu và tài nguyên, họ là thu thập và biến rác thành những vật dụng hữu ích. Ngoài ra, thương hiệu này còn lên kế hoạch và tổ chức các buổi triển lãm và chương trình liên quan đến upcycling. Đồng thời, họ cũng phát hành tạp chí hướng đến hệ sinh thái tuần hoàn tự nhiên và cố gắng lan toả văn hóa tái chế upcycling thông qua các buổi hội thảo đa dạng. Lý do khiến cho những hoạt động của JUST PROJECT trở nên nổi bật là nhờ chiến lược thương hiệu được xây dựng bởi chủ tịch Yi Young-yeun. JUST PROJECT không phải là một phong trào môi trường mà là một thương hiệu thiết kế truyền cảm hứng cho mọi người suy ngẫm về thói quen tiêu dùng và gợi ý các vật dụng cần thiết phù hợp với thị hiếu của họ. Hoạt động của JUST PROJECT không phải để thực hiện một nghĩa vụ hay hoài bão lớn lao mà cái hay của nó nằm ở chỗ tạo ra một công việc mà nhân viên thực sự muốn làm, đó là tạo ra những sản phẩm khách hàng muốn mua. Điều này thể hiện đúng như tên gọi của thương hiệu “Just” (chỉ là). Tạp chí hàng quý “Rác” được xuất bản bởi JUST PROJECT giới thiệu những câu chuyện, tác phẩm của những người yêu rác, thu thập và khám phá nó. Đặc biệt, trang bìa của tạp chí có điểm đặc trưng là được làm từ những tờ rơi bỏ đi và giấy in cũ, do đó không có bìa nào giống bìa nào cả. ⓒ JUST PROJECT Sự hoá thân của rác Thật thú vị khi thấy một loại rác thải nào đó được sử dụng để tái chế thành các sản phẩm do JUST PROJECT giới thiệu. Nếu bạn nhìn vào các sản phẩm công ty này thiết kế, bạn có thể biết loại rác họ sử dụng dựa vào tên sản phẩm. Ví dụ như những cái tên: “I was t-shirts” (tạm dịch Tôi là áo phông), “I was label” (tạm dịch Tôi là mác quần áo), “I was foil” (tạm dịch Tôi là giấy bạc), “I was straw” (tạm dịch Tôi là ống hút)... Thảm làm từ áo phông cũ, túi làm từ nhãn mác quần áo, ví và túi nhỏ làm từ bao bì bánh kẹo và ống hút bỏ đi. Họ có một quan điểm hoàn toàn khác về rác, đến mức họ có thể nói rằng rác vừa là một nguồn cảm hứng vừa là đối tượng thưởng thức. Những bao bì bánh kẹo mà chúng ta thường vứt đi sau khi dùng hết sản phẩm bên trong là một ví dụ như vậy. Loại nhựa dùng trong bao bì bánh kẹo thường có ít nhất là ba lớp nhựa khác nhau được ép vào nên rất khó để tái chế. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của JUST PROJECT, bao bì bánh kẹo là một chất liệu cao cấp, vừa chắc chắn vừa không thấm nước. Những chiếc túi cầm tay được làm bằng cách tách vỏ túi bánh kẹo và lau sạch dầu mỡ, sau đó thiết kế túi theo nhiều kích cỡ và mục đích sử dụng đa dạng. Chúng cứng cáp và hữu ích hơn chúng ta nghĩ nhiều. Vì mỗi chiếc túi cầm tay đều được làm từ nhiều loại vỏ bánh keọ khác nhau, nên mỗi chiếc đều có dáng vẻ khác biệt, và thật thú vị khi ngắm nghía từng chiếc túi và lựa chọn theo sở thích cá nhân. Nếu một chiếc túi cầm tay làm từ vỏ bánh keọ được đặt tên là “I was foil”, thì “I was t-shirt” là tên gọi của tấm thảm. Thoạt nhìn, tấm thảm bóng bẩy này được hoàn thiện bằng cách cắt áo phông cũ thành những dải dài, sau đó dệt chúng lại trên khung cửi thủ công, và hoàn thiện bằng cách khâu tay. Ưu điểm của loại thảm làm từ áo phông này là có thể dễ dàng giặt trong máy giặt bởi công ty chỉ sử dụng chất liệu áo cô tông, đồng thời nhờ họa tiết đặc trưng khác nhau của từng loại vải nên mỗi một sản phẩm mang một thiết kế độc đáo riêng. Ngoài ra, nhờ phương pháp dệt sợi vải rất chặt bằng khung dệt tay khiến cho tấm thảm trông đẹp mắt, chất lượng cũng rất tuyệt vời đến mức người ta không còn để tâm nhiều đến việc nó là một tấm thảm làm từ đồ bỏ đi. Quả nhiên, cách giải thích của thương hiệu JUST PROJECT hoàn toàn thuyết phục khi cho rằng những món đồ bỏ đi chính là một nguồn tài nguyên, một kho báu và là khởi nguồn của các ý tưởng. Các tính năng của nhựa dẻo Bí quyết để JUST PROJECT phát triển bền vững trong 10 năm qua không đơn thuần chỉ vì họ đã sản xuất và bán các sản phẩm làm từ rác thải. Chúng ta có thể tìm ra bí quyết đó từ quỹ đạo hoạt động của JUST PROJECT, họ thực hiện các dự án hợp tác với các thương hiệu, công ty và nhóm hoạt động xã hội khác nhau, tích cực phát huy năng lực ở những nơi cần thiết. Một ví dụ tiêu biểu phải nhắc đến chính là triển lãm nhựa upcycling do JUST PROJECT phối hợp với thương hiệu NoPlasticSunday tổ chức tại Seoul Design Festival 2023. NoPlasticSunday là thương hiệu nỗ lực tạo ra hệ thống kinh tế tuần hoàn bền vững cho rác thải nhựa. JUST PROJECT đã lên kế hoạch thực hiện tập hợp các nhà thiết kế nội thất, nhà thiết kế công nghiệp đang hoạt động mạnh tại Hàn Quốc và đề xuất làm các đồ nội thất phản ánh được ngôn ngữ thiết kế của từng tác giả theo chủ đề nhựa tái chế. Các nhà thiết kế khi tham gia đã sử dụng các tấm ván nhựa tái chế thay cho các vật liệu quen thuộc để tạo ra các món đồ nội thất đẹp và hữu ích. Dự án được đánh giá cao vì là sự kiện mở ra tính ứng dụng cho nhựa tái chế thông qua các thiết kế độc đáo. Dự án đã cho mọi người thấy tiềm năng về mặt chức năng và tính thẩm mỹ của nhựa phế liệu, vốn luôn là vấn đề lớn và nóng trong số các vấn đề về môi trường và khí hậu. Ngoài ra, sổ nhật ký do JUST PROJECT kết hợp làm với tổ chức phi chính phủ Team & Team cũng rất ấn tượng. Việc sử dụng vật liệu polyester tái chế hoàn toàn từ chai nhựa PET để làm bìa nhật ký và bìa được thiết kế để có thể tái sử dụng làm túi cầm tay chính là kết quả của việc xem xét cẩn thận vòng đời từ khi sản phẩm ra đời đến khi thải bỏ. Số tiền thu được từ dự án sổ nhật ký đã được sử dụng để cung cấp nước sạch cho người dân Đông Phi đang phải chịu nạn đói, việc làm này đã khiến cho dự án mang nhiều ý nghĩa hơn “Plastics” là một dự án do công ty JUST PROJECT kết hợp với NoPlasticSunday tổ chức,và giới thiệu các tác phẩm của 10 nghệ sĩ trong năm 2022. ⓒ JUST PROJECT Định nghĩa lại thế nào là một món đồ tốt Vấn đề lượng rác thải khổng lồ đang gia tăng từng ngày đã khiến chúng ta phải nhìn nhận rằng đây không chỉ là vấn đề cốt lõi cần giải quyết để khắc phục ô nhiễm môi trường và khủng hoảng khí hậu mà nó còn buộc chúng ta phải xem xét lại hệ thống sản xuất và tiêu dùng. Đã đến lúc mọi người phải cùng nhau hướng tới mục tiêu chung là trung hòa carbon, tiến hành thí điểm và làm nhiều thử nghiệm khác nhau dựa trên việc xem xét kỹ lưỡng từng giai đoạn trong vòng đời của sản phẩm, từ khâu lập kế hoạch sản xuất đến khâu lựa chọn nguyên liệu và thiết kế, đến khi đồ vật bị loại bỏ sau khi sử dụng hết chức năng. Trong 10 năm qua, JUST PROJECT đã không ngừng vươn lên bằng cách xác định thế nào là sản phẩm tốt, là thiết kế họ muốn thực hiện và hoàn thành những điều đó. Cách thức hoạt động của họ đã trở thành hình mẫu và gây ấn tượng mạnh mẽ trong việc truyền tải một cách sâu sắc việc tái sử dụng rác và văn hoá upcycling, đồng thời chúng cũng khiến người tiêu dùng phải suy nghĩ lại về các tiêu chuẩn đánh giá một thương hiệu tốt. Vào năm 2019, Bảo tàng Nghệ thuật Seoul đã tổ chức chương trình “Buffet rác” thuộc hoạt động “Hộp cơm của các nghệ sĩ”. Bữa ăn trong chương trình này được chế biến từ những nguyên liệu tốt nhưng nhìn không được đẹp mắt lắm và người dự có thể lựa chọn các loại rác khác nhau như thủy tinh, vải và nhựa theo sở thích riêng của họ. ⓒ JUST PROJECT Yoo Da-mi Nhà văn Mai Như NguyệtDịch

NHÀ MÁY KOKKIRI VÀ VÒNG TUẦN HOÀN CỦA CÁC MÓN ĐỒ CHƠI

Greener Pastures 2023 WINTER

NHÀ MÁY KOKKIRI VÀ VÒNG TUẦN HOÀN CỦA CÁC MÓN ĐỒ CHƠI Đồ chơi không chỉ là món tiêu khiển thông thường mà còn là phương tiện thiết yếu để phát triển thể chất và tình cảm cho trẻ nhỏ. Tuy nhiên đồ chơi cũng là món đồ dễ dàng được mua và khi không còn hứng thú cũng dễ dàng bị vứt đi. Do các tác nhân như ô nhiễm môi trường hay biến đổi khí hậu, nhận thức về vấn đề sử dụng nhựa dần được nâng cao, cũng như đòi hỏi con người phải nghiêm túc nghiên cứu từ việc mua sắm đồ chơi khi phần lớn chúng được làm từ nhựa, đến các giải pháp thu gom và xử lý đồ chơi qua sử dụng. Nhà máy đồ chơi Kokkiri đang làm ra các tạo hình nghệ thuật động vật làm từ bộ phận tháo rời trong đồ chơi cũ nhằm báo động tính nghiêm trọng của vi nhựa. Tên tác phẩm này là “Đàn cá hồi”. ⓒ Nhà máy đồ chơi Kokkiri ⓒ Elephant Factory Người làm cha mẹ đều mong muốn cho con mình tất cả những gì mà con thích. Nhưng do các vấn đề ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, nhận thức của con người về việc tiêu thụ sản phẩm nhựa ngày càng được nâng cao. Ta phải quan tâm xem xét tác động của việc sử dụng sản phẩm nhựa đối với môi trường ở mọi khía cạnh của đời sống như ăn uống, may mặc, giải trí. Món đồ chơi mà con em đang dùng cũng không là ngoại lệ. Đồ chơi trở thành phế thải Phần lớn các món đồ chơi trẻ em đang dùng đều được làm từ nhựa. Tuy có sự thay đổi nhỏ tích cực khi đồ chơi dần được sản xuất từ các chất ít gây hại đến môi trường, nhưng vấn đề chính là các hỗn hợp sắt và cao su đều được phân loại vào nhóm rác thải thông thường. Do đó, nếu là món đồ chơi 100% được làm từ nhựa thì sẽ được nấu chảy và tái chế, còn đồ chơi có kèm các thành phần khác như dây điện hay ốc vít thì đành phải chôn lấp hoặc đốt. Do đó, hiện thực đáng buồn là phần lớn các món đồ chơi bị vứt đi không được tái chế. Tái sử dụng tài nguyên tuy là một bài toán khó, nhưng chất thải ra môi trường trong quá trình tiêu hủy cũng là vấn đề lớn. Để khắc phục thực trạng này, điều cần làm là phải giảm thiểu lượng đồ chơi bị vứt bỏ, biến chúng trở nên hữu ích nhất có thể. Nhà máy Kokkiri ở Ulsan là một doanh nghiệp xã hội cũng đang đau đáu hơn ai hết về vòng đời của các món đồ chơi. Khởi đầu của nhà máy đồ chơi Kokkiri Đồ chơi quyên góp cho nhà máy Kokkiri. Đồ chơi được phân loại thành hai nhóm có thể và không thể sửa chữa. Đồ chơi đã qua sửa chữa dùng để trao tặng trẻ em khó khăn, nhóm còn lại dùng để làm thành nguyên liệu tái chế. ⓒ Nhà máy đồ chơi Kokkiri Có nhiều lý do để một món đồ chơi bị vứt đi, chẳng hạn như trẻ nhỏ thường mau chán hay đồ chơi dễ hỏng khi dùng. Và mỗi lần như vậy, theo một cách thường thấy, nó sẽ bị bỏ mặc một thời gian rồi bị vứt đi, bởi có vô số đồ chơi mới lại tiếp tục xuất hiện. Tuy nhiên, ép trẻ phải chơi món đồ mà bản thân đã thấy nhàm chán, không còn hứng thú nữa cũng không hẳn là một cách hay, hơn nữa việc tìm đến các dịch vụ sửa chữa đồ chơi cũng không phải chuyện dễ dàng. Đây là điều được đúc kết từ đại diện nhà máy Kokkiri, ông Lee Chae-jin, người từng kinh doanh một tiệm cho thuê đồ chơi trước đây. Nhận thấy rằng nhiều món đồ chơi dễ hư hỏng và vì vậy càng dễ bị vứt đi, ông đã thử tìm hiểu các công ty sản xuất hoặc phân phối để sửa chữa đồ chơi hỏng. Trong hơn 600 công ty sản xuất đồ chơi, chỉ có 5% đi kèm dịch vụ sửa chữa. Điều này khiến cho đồ chơi chỉ là một thứ tiêu sản dễ dàng bị vứt bỏ đi. Ông Lee đã dần ý thức được vấn đề, ông tập hợp những người có chuyên môn sửa chữa đồ hỏng và bắt đầu hành trình hồi sinh đồ chơi ở các nhà trẻ. “Đội sửa chữa đồ chơi” là tiền thân của nhà máy đồ chơi Kokkiri. Ban đầu tổ chức đã đến các nhà trẻ để sửa đồ chơi và đôi khi cũng được nhận lại đồ chơi thay cho lời cảm ơn từ nhà trẻ. Dần dà về sau hoạt động này được phát triển mạnh mẽ hơn, nhà máy đã phân phối các món đồ chơi nhận được đến các nhà trẻ khác có nhu cầu sử dụng. Nhà trẻ sẽ sử dụng dịch vụ từ các doanh nghiệp phòng dịch mỗi năm, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp chỉ chăm chăm vào việc khử trùng không gian sống nhà trẻ, khử trùng đồ chơi trẻ em và để lại cho nhà trẻ rất nhiều chế phẩm diệt khuẩn. Khác với các doanh nghiệp phòng dịch thông thường đó, nhà máy đồ chơi Kokkiri tạo nên một hình mẫu doanh nghiệp mới bằng cách tiến hành sửa chữa các món đồ chơi hỏng, đồng thời thu gom các món đồ chơi không còn được trẻ ưa chuộng nữa dưới hình thức nhận quyên góp. Hiện nay mỗi năm nhà máy đã thu gom và phân phối với số lượng trên 10 nghìn món đồ chơi cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Điều này đồng nghĩa với việc mỗi năm có hơn 10 nghìn món quà đến với trẻ em khó khăn, tạo điều kiện cho các em có cơ hội được vui chơi. Hồi sinh đồ chơi - xoá nhoà khác biệt giữa những đứa trẻ Nhân viên xưởng đang sửa chữa đồ chơi hỏng. ⓒ Nhà máy đồ chơi Kokkiri Trẻ em cần sử dụng đồ chơi phù hợp lứa tuổi và trải qua quá trình tăng trưởng, phát triển phù hợp theo từng giai đoạn. Trẻ em được nuôi dưỡng trong gia đình có điều kiện kinh tế hay trẻ em được gửi vào các cơ sở mẫu giáo tự quản địa phương có nhiều ngân sách phúc lợi sẽ dễ dàng tiếp cận và sử dụng nhiều đồ chơi chất lượng tốt. Trái lại, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn thì không được như vậy. Đây cũng là lý do mà đại diện Lee Chae-jin quyết định hệ thống hóa và nâng cấp tổ chức tình nguyện sửa chữa đồ chơi hỏng thành nhà máy đồ chơi Kokkiri. Hoạt động này không chỉ góp phần làm giảm rác thải nhựa để bảo vệ môi trường mà còn giúp cho trẻ phát triển giác quan và kỹ năng phù hợp với lứa tuổi bằng cách trải nghiệm nhiều loại đồ chơi khác nhau. Lượng đồ chơi mà nhà máy Kokkiri nhận được từ các cá nhân và tổ chức trên toàn quốc đã đạt 40 - 60 tấn hàng tháng. Xuất phát điểm là một tổ chức thiện nguyện nhỏ, Kokkiri đã trở thành một doanh nghiệp xã hội có đến bốn văn phòng chi nhánh tại Gyeonggi, Incheon, Ulsan,... mang đến các giá trị tích cực như đặt ra vấn đề về số lượng lớn đồ chơi bị bỏ đi, cân nhắc đến tính nghiêm trọng của ô nhiễm môi trường do sự biến đổi khí hậu, đưa ra giải pháp tái sử dụng đồ chơi nhằm giảm thiểu lượng rác thải, cũng như hỗ trợ được trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Cuộc phiêu lưu của những món đồ chơi Quá trình lắp ráp của rô bốt tự động AI co-bot làm bằng nhựa tái chế, do có yếu tố “lập trình” nên kích thích óc sáng tạo của trẻ nhỏ. ⓒ Nhà máy đồ chơi Kokkiri Đồ chơi tập hợp tại nhà máy được hồi sinh theo nhiều cách khác nhau. Trước tiên với các món đồ chơi có thể sửa chữa được, các tình nguyện viên sẽ nỗ lực thu gom và quyên góp cho các cơ quan đoàn thể khác. Đối với những món đồ chơi khó có thể sửa chữa hay bị bạc màu quá nhiều, nhà máy sẽ bắt đầu xử lý bằng việc tỉ mỉ tháo rời các bộ phận. Các chất liệu ngoài nhựa như là dây điện, ốc vít, loa sẽ được gom riêng và tái sử dụng làm phụ tùng khi sửa chữa các món đồ chơi khác. Thành phần nhựa còn lại như nhựa tổng hợp, nhựa polypropylene, nhựa polyetylen có nhiệt độ tan chảy khác nhau nên tiếp tục được phân loại theo màu sắc và chất nhựa, phục vụ cho việc tái chế. Sau khi phân loại, nhựa sẽ được nghiền nhuyễn và nung chảy để tạo ra một sản phẩm mới. Nhựa đồ chơi là nhựa ít chất gây hại nên có giá trị gia tăng hơn 10 lần dù vật liệu tổng hợp được phân tách đúng cách. Do đó, nhà máy Kokkiri sử dụng máy phân loại siêu phổ tách 95% nhựa nguyên chất và sản xuất 300 tấn nhựa tái chế mỗi tháng. Việc sản xuất các sản phẩm từ nhựa tái chế như chậu hoa hay móc khóa rồi phân phát cho trẻ em là một trong các hoạt động của nhà máy. Bên cạnh đó, nhà máy còn tổ chức nhiều sự kiện trải nghiệm với đa dạng chủ đề nhắm vào đối tượng đoàn thể và gia đình, mà qua đó người tham gia có thể quan sát được vòng tuần hoàn thân thiện với môi trường của nhựa tái chế. Qua việc quan sát thực tế quy trình tái chế đồ chơi cũ thành chất liệu mới, trẻ em có thể học hỏi và nhận thức được rằng những món đồ chơi mà bản thân hết hứng thú không phải là thứ có thể mau chóng vứt đi, đồ chơi là tài nguyên, có giá trị, cần được tái chế và tái sử dụng. Giáo dục tái chế tài nguyên cho trẻ Móc khóa là một trong những sản phẩm thân thiện với môi trường của nhà máy đồ chơi Kokkiri, đây là sản phẩm được làm từ nhựa nghiền trong rác thải đồ chơi. ⓒ Nhà máy đồ chơi Kokkiri Ta có thể bắt gặp hình ảnh các bạn nhỏ mang đồ chơi mình không sử dụng đến quyên tặng nhà máy đồ chơi Kokkiri. Với đôi bàn tay nhỏ nhắn của trẻ thơ, các bạn điền tên mình vào phần “người quyên góp” với vẻ tự hào và cũng thật đáng yêu. Những bạn nhỏ đến quyên góp cũng có thể lựa chọn cho mình một món đồ chơi mà nhà máy đã sửa chữa và khử độc. Điều này làm cho niềm vui khi quyên tặng của các bạn càng nhân lên bội phần. Tham gia vào hoạt động trao tặng đồ chơi đã qua sử dụng thay vì vứt bỏ là một dịp học tập quý giá cho các em. Vì qua đó, trẻ nhỏ học được tầm quan trọng của tài nguyên một cách tự nhiên. Đây còn là bài học về ý nghĩa của việc cho đi, giá trị của việc tái chế, từ đó nâng cao sự hiểu biết về việc bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng. Yoo Da-mi - Biên tập viên Dịch. Phạm Công Bảo Duy

NGHIÊN CỨU CHO ĐẾN KHI BẠN MẶC LẠI

Greener Pastures 2023 AUTUMN

NGHIÊN CỨU CHO ĐẾN KHI BẠN MẶC LẠI Với bản chất thẩm mỹ là theo đuổi sự mới lạ, ngành công nghiệp thời trang đang kích thích tái sản xuất và tiêu dùng vô tận. Càng như vậy, tác động của nó đến khủng hoảng khí hậu càng lớn. Đây là lúc cần thiết để tất cả chúng ta suy ngẫm nghiên cứu về việc phát triển cách ăn mặc vừa đảm bảo tính mới mẻ, độc đáo, vừa bảo vệ sức khỏe của chính mình và trái đất. WearAgain Lab là công ty khởi nghiệp phi lợi nhuận được thành lập với mục đích tuyên truyền những ảnh hưởng xấu đến môi trường từ ngành công nghiệp thời trang và hướng đến việc giảm lượng rác thác thải quần áo. ⓒ WearAgain Lab Chỉ đi bộ một quãng trong khu phố sầm uất thôi cũng đủ để ta thấy quần áo treo đầy các cửa hàng, nhiều đến mức ta không khỏi băn khoăn bao giờ mới có người mua hết chúng. Các thương hiệu thời trang toàn cầu đã có mặt ở mọi thành phố trên thế giới, thúc đẩy xu hướng bằng cách tung ra các bộ sưu tập mới mỗi tuần. Mỗi mùa thời trang đến, quần áo mới lại được sản xuất với số lượng lớn. Nhờ vậy mà tủ đồ của chúng ta luôn tràn ngập quần áo để mặc. Ấy thế nhưng mùa nào ta cũng ít nhất vài lần băn khoăn: “Sao mình không có gì để mặc nhỉ?”. Trung tâm nghiên cứu hiện thực hoá lối ăn mặc “Zero waste” (Không lãng phí) Nếu bạn muốn mặc trang phục mới nhưng lại lo lắng về tác động của ngành công nghiệp thời trang đến trái đất, hoặc bạn cảm thấy băn khoăn với những món đồ “bỏ thì thương, vương thì tội”, vậy hãy thử quan tâm đến WearAgain Lab (tạm dịch Trung tâm Nghiên cứu “Mặc lại lần nữa”). Là một công ty khởi nghiệp phi lợi nhuận về lối ăn mặc không rác thải, đúng với tên gọi “mặc lại lần nữa”, trung tâm nghiên cứu này đào sâu các vấn đề của ngành công nghiệp thời trang và hiện thực hóa ý nghĩa cũng như giá trị của việc tái sử dụng. Hoạt động chính của trung tâm - “21% Parties” (tạm dịch Bữa tiệc 21%) - là hội chợ trao đổi quần áo đã qua sử dụng, cũng là một chương trình tìm kiếm phương thức luân chuyển tài nguyên. Tên gọi 21% chỉ tỉ lệ quần áo không sử dụng trong tủ đồ của chúng ta. Người tham gia có thể mang đến những trang phục đã bị bỏ quên trong góc tủ để đổi lấy đồ của người tham gia khác. Đó có thể là chiếc váy dành khi giảm cân sẽ mặc nhưng mấy năm rồi vẫn chưa mặc được, một món phụ kiện đã rất tha thiết sở hữu nhưng không hiểu sao chẳng còn phù hợp, một đôi giày khó phối đồ được mua trong lúc nhất thời không thể kiểm chế ham muốn, một bộ đồ chẳng còn muốn động đến hay lưu giữ dù chúng chứa đựng những kỷ niệm sống động. Vì vậy, thay vì tem giá, mỗi bộ trang phục được gắn thẻ “Goodbye & Hello” (tạm dịch Tạm biệt & Xin chào) ghi lại nguồn gốc, câu chuyện của nó và lời chào đến người chủ mới. Ở nơi này, đi dạo thôi cũng đã cảm thấy thú vị vì người tham gia không chỉ trao đổi quần áo mà còn trải nghiệm sự hứng khởi khi lật lại quá khứ của trang phục cùng những kỷ niệm đã qua của ai đó. Tái sử dụng thay vì tái chế Thẻ Goodbye & Hello để viết những câu chuyện và lời giải thích về trang phục trong 21% Parties ⓒ WearAgain Lab Theo thực trạng phát sinh và xử lý rác thải toàn quốc năm 2021 do Bộ Môi trường công bố, trong số rác thải sinh hoạt có khoảng 118.000 tấn quần áo được phân loại và thải ra dưới dạng tài nguyên có thể tái chế. Nếu tính thêm các loại sợi vải được thải ra dưới dạng tài nguyên có thể tái chế và các loại sợi vải bị thải ra lẫn với rác thải thông thường, thì khối lượng này lên tới 412.000 tấn. Điều nghịch lý là ngay bây giờ, các nhà máy trên khắp thế giới vẫn đang sản xuất và bỏ đi một lượng lớn quần áo. Đến lúc này, phương thức theo đuổi sự mới mẻ trong ăn mặc cần phải khác đi. WearAgain Lab không đặt trọng tâm vào tái chế hay tái chế sáng tạo mà tập trung vào việc tái sử dụng. Tái chế hay tái chế sáng tạo tuy vẫn tốt hơn dùng một lần rồi bỏ, nhưng những quá trình ấy vẫn làm hao tổn tài nguyên. Hơn nữa, việc tái chế và tái chế sáng tạo số lượng quần áo khổng lồ trong tủ đồ của mọi người trên khắp thế giới là điều không thể. Vì vậy, WearAgain Lab đề xuất phương án tối ưu là mặc lại đồ càng lâu càng tốt và bỏ đi càng ít càng tốt. Đồng thời, trung tâm cũng dành tâm huyết cho việc giảm lượng rác thải quần áo và thúc đẩy văn hóa thời trang thông qua việc trao đổi quần áo. Ý nghĩa trong nghiên cứu của WearAgain Lab 21% Parties - hoạt động chính của WearAgain Lab là khu chợ để trao đổi áo quần đã qua sử dụng và cũng là nơi truyền tải văn hoá ăn mặc bền vững đến người tiêu dùng đã quen với thời trang nhanh. Người tham gia nhận thẻ trao đổi tương đương với số lượng quần áo mang tới và có thể trao đổi những bộ trang phục khác. ⓒ WearAgain Lab Sức quyến rũ của thời trang đã qua sử dụng quả là vô cùng vô tận, và có lẽ niềm vui lớn nhất đến từ việc khám phá được những điều chẳng thể ngờ tới. Việc mua sắm, nhất là mua sắm quần áo, thường đi vào những lối mòn riêng. Bạn thường có khuynh hướng bị giới hạn trong một số phong cách hoặc sở thích nào đó. Tuy nhiên, thị trường thời trang đã qua sử dụng lại ngập tràn những kiểu dáng đáng để bạn ướm thử, những phong cách và thương hiệu vốn nằm ngoài mối quan tâm của bạn, và mở ra cho bạn những lãnh địa thời trang mới mẻ mà bạn chưa từng đặt chân tới. Đó là nơi bạn có thể du hành trong thời gian vô tận mà không cần chạy theo xu hướng. Đó cũng là nơi bạn có thể hoàn thiện phong cách của riêng mình bằng sự thông minh và dí dỏm thay vì sắm mới những món đồ theo mùa mà chỉ sau một hai năm đã khiến mình cảm thấy ngại vì có vẻ lỗi mốt. Nhờ vậy, đời sống thời trang nhàm chán trở nên phong phú hơn. Hơn nữa, vì 21% Parties được vận hành trên nguyên tắc trao đổi quần áo nên bạn có thể rũ bỏ được cảm giác áy náy với môi trường và tìm được niềm hân hoan bất ngờ khi khoác lên mình món đồ khác lạ mình từng vài lần băn khoăn muốn thử. Khi nhìn thấy người khác mặc lại đồ của mình, chủ nhân của những món đồ cũng hình thành những mối quan hệ đặc biệt với nhau. Thông qua việc mọi người trao đổi và mặc lại quần áo của nhau, một tương lai mà chúng ta đang lo lắng đang chuyển thành một tương lai đầy hy vọng. WearAgain Lab đang tìm hiểu vấn đề mà hầu như cả ngành công nghiệp thời trang vẫn còn đang lảng tránh. Nói như vậy không có nghĩa là WearAgain Lab là nơi chỉ dành cho những trải nghiệm đầy cảm xúc. Việc kéo dài tuổi thọ của quần áo mới là điều có ý nghĩa rõ ràng. Một thực tế mà chúng ta thường bỏ quên hoặc vờ như không biết là khi tuổi thọ của quần áo tăng lên thì năng lượng phát sinh trong quá trình xử lý rác thải giảm đi, nghĩa là lượng nước tiêu thụ và lượng khí thải carbon không tăng. WearAgain Lab đã giải quyết vấn đề thông qua những chỉ số cụ thể. Tháng 4 vừa qua, 21% Parties được tổ chức trong mười ngày, quy tụ 831 người thuộc 18 nhóm từ khắp cả nước đã gom về 2.908 bộ quần áo và trao đổi được 2.239 bộ. Điều này tương đương với hiệu quả tiết giảm 652.601 lít nước và 17.263 kg carbon. Quả là một con số khiến ta thức tỉnh. Đồng thời, ý nghĩa nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu Mặc lại lần nữa cũng trở nên rõ ràng hơn. Thay đổi vì sự bền vững Người tham gia viết lên thẻ Goodbye & Hello. Trên thẻ này, người ta sẽ viết thông tin về thời điểm mua hàng, số lần mặc, lời tạm biệt với chiếc áo sẽ rời đi và lời chào đến chủ nhân mới. ⓒ WearAgain Lab Thông qua 21% Parties, WearAgain Lab đang tạo ra những thay đổi trong đời sống ăn mặc của người dân, đồng thời tác động tích cực đến sự thay đổi của các hệ thống và chính sách. Có thể kể đến việc mở ra chiến dịch vận động xây dựng luật cấm các doanh nghiệp thời trang tiêu hủy áo quần bị hoàn trả hay tồn kho. Vận động lập pháp là phong trào chắc chắn và có sức ảnh hưởng nhất, và cũng là lời cảnh tỉnh đánh vào tính ích kỷ của doanh nghiệp khi họ sẵn sàng tiêu hủy quần áo tồn kho - tức là những bộ quần áo mới chưa có ai mặc - chỉ để bảo vệ hình ảnh thương hiệu. Trong chương trình đặc biệt về môi trường “Không có địa cầu cho quần áo” phát sóng trên đài KBS vào năm 2021, một cuộc khảo sát đã được thực hiện với bảy doanh nghiệp thời trang hàng đầu về doanh số bán hàng ở Hàn Quốc. Bốn trong số bảy doanh nghiệp cho biết họ đốt bỏ sản phẩm tồn kho không bán được, một doanh nghiệp từ chối công khai thông tin, một doanh nghiệp khác không trả lời. Chỉ có một doanh nghiệp duy nhất trả lời không đốt bỏ. Thật trớ trêu khi một bên đang nghiên cứu vì sự an nguy của môi trường và hiện thực hóa việc mặc lại áo quần, còn một bên lại đang đốt cháy ý thức và đạo đức ngày nay bằng cách lãng phí năng lượng và sức lao động. Để giải quyết nghịch lý này, đứng trên lập trường chính sách, WearAgain Lab đã triển khai một nghiên cứu quy mô lớn từ tháng Một năm nay, và đến tháng tư đã chuyển 1.363 chữ ký tới Văn phòng Đại biểu Quốc hội, yêu cầu ban hành Luật Cấm hành vi thải bỏ hàng tồn kho và hàng trả lại. Sự yêu thích và mức độ quan tâm đến trang phục có thể khác nhau ở mỗi người, nhưng những đe dọa đến từ khủng hoảng khí hậu lại đang ảnh hưởng đến toàn bộ sự sống trên trái đất. Cho dù một sản phẩm được tạo ra có hướng đến tính bền vững đến đâu, liệu cái gọi là bền vững ấy có đang âm thầm đưa trái đất đến diệt vong? Giờ đây, phương thức theo đuổi sự mới mẻ trong ăn mặc cũng cần phải khác đi. Tìm kiếm câu trả lời trong thời trang đã qua sử dụng cũng là một phương thức, bởi xu hướng sẽ có hồi kết nhưng thời trang đã qua sử dụng thì không bao giờ kết thúc. Yoo Da-miBiên tập viên Dịch.Phạm Hương Giang

NHỮNG NGƯỜI GOM RÁC

Greener Pastures 2023 SUMMER

NHỮNG NGƯỜI GOM RÁC Người gom rác là những người nhìn thấy rác mà chẳng hề chán nản. Từ tháng 8 năm 2019, họ đã khởi động một dịch vụ cho thuê những vật dụng có khả năng tái sử dụng để giải quyết vấn đề rác thải từ các đồ dùng một lần. Đặc biệt, đó không phải là một phong trào môi trường mang tính rập khuôn, mà được xây dựng như là một trò chơi thú vị, một hoạt động văn hóa bắt kịp những xu hướng của thời đại. Được thành lập vào tháng 8 năm 2019 với mục tiêu giải quyết các vấn đề môi trường gây ra bởi đồ nhựa sử dụng một lần, Những người gom rác đề xuất dịch vụ cho thuê vật chứa đa dụng như một giải pháp thay thế. Các sản phẩm của họ gồm nhiều loại vật chứa khác nhau, có thể tái sử dụng và tất cả đều có màu cam rực rỡ, phản ánh thông điệp của Những người gom rác. Theo báo cáo của Tổng công ty môi trường Bộ Môi trường Hàn Quốc về tình hình xử lý và phát sinh rác thải toàn quốc năm 2021, lượng rác thải phát sinh năm 2021 là 197,38 triệu tấn. Trong số rác thải khổng lồ thải ra hàng năm, rác thải từ đồ dùng một lần là loại rác có thể giảm thiểu hiệu quả nhất. Rác thải nhựa dùng một lần chỉ sử dụng một lần nhưng phải mất vài năm để phân hủy. Đồ nhựa được làm từ dầu hỏa sản sinh ra khí ga nhà kính mạnh như khí metan trong quá trình xử lý. Hạt vi nhựa nếu thải vào biển và lòng đất sẽ không thể lọc sạch. Vấn đề ô nhiễm đất, ô nhiễm đại dương, ô nhiễm không khí rất nghiêm trọng do rác thải. Mặc dù việc rửa bát đĩa rất bất tiện, phiền hà, và nhiều người lựa chọn các sản phẩm dùng một lần là vì lý do ấy, nhưng khi xem xét các nguy cơ dẫn đến khủng hoảng môi trường, thiết nghĩ chúng ta cần cố gắng chịu đựng “sự bất tiện” ấy thêm một chút. Hệ thống điểm số tăng thêm phần thú vị bằng cách yêu cầu mọi người nhấn nút trên bảng hiệu điện tử mỗi khi họ sử dụng các vật chứa đa dụng và cho biết có bao nhiêu sản phẩm dùng một lần đã được tiết kiệm. Người gom rác, đừng nản lòng Những người gom rác đến bất cứ nơi nào có thể có vấn đề với rác thải nhựa dùng một lần như quán cà phê trong nhà, rạp chiếu phim, lễ hội, địa điểm tổ chức sự kiện, v.v. Họ cố gắng tạo ra lối sống khuyến khích mọi người tái chế và tái sử dụng, từ đó giảm thiểu rác thải. Cũng giống như những biệt đội săn ma sẽ làm công việc săn bắt ma quỷ, những người gom rác sẽ thực hiện việc thu gom rác. Họ sẽ không chần chừ đến ngay những nơi có sử dụng các sản phẩm dùng một lần như các lễ hội, đám tang hay các nhà hàng tự phục vụ để ngăn chặn việc sử dụng các sản phẩm ấy. Nhóm những người gom rác này được hình thành từ khi Giám đốc Kwak Jae Won lên kế hoạch cho việc tổ chức lễ hội của thành phố Seoul. Sau khi kết thúc lễ hội là một đống rác khổng lồ. Nếu mỗi người tham dự sử dụng ít nhất ba món đồ dùng một lần, thì sau lễ hội sẽ có đến 30.000 món đồ dùng như thế bị vứt đi. Nếu ta thay thế chúng bằng những đồ dùng có thể tái sử dụng, thì tình trạng ấy sẽ không xảy ra. Năm sau, ông ấy đã cùng với đồng nghiệp của mình đã đưa ý tưởng đó vào thực tế. Họ quyết định cho những người tham dự lễ hội thuê bộ đồ dùng bằng nhựa bao gồm nĩa, ly, đĩa và có trách nhiệm gom lại sau khi sử dụng. Họ đã chủ động cung cấp và thu gom các bộ vật dụng có thể tái sử dụng, thay vì khuyến khích mọi người tự nguyện làm việc ấy. Nếu có sự hỗ trợ của một hệ thống giúp làm sạch các vật dụng ấy, thì chúng sẽ được tái sử dụng nhiều lần, và rác thải sinh hoạt sẽ giảm đáng kể. Ý chí của giám đốc Kwak Jae Won đã làm lay động trái tim của nhiều đối tác, lần đầu tiên ông có cơ hội trải nghiệm việc cho thuê dịch vụ sử dụng đồ dùng sử dụng nhiều lần là tại lễ hội âm nhạc “Yêu thích Seoul” (Seoul nhân khí), lễ hội mà ở đó người ta có thể cảm nhận được sức nóng của mùa hè Seoul và nhiệt huyết của tuổi trẻ. Hiệu quả mà những người gom rác mang đến có thể được nhận thấy qua những con số. Lượng rác thải đã giảm xuống khoảng 98% so với năm ngoái và lễ hội trở thành lễ hội không rác thải. Sinh thái trở thành xu hướng Mọi người đã rất bối rối khi lần đầu tiên tiếp cận dịch vụ trả tiền đặt cọc để mượn bộ đồ ăn và sau đó hoàn trả lại mà không phải đồ dùng sử dụng một lần; tuy nhiên, họ đều đồng tình rằng đây là việc làm vì cộng đồng hết sức cần thiết. Với nhận thức và sự đồng cảm ấy, việc sử dụng rồi hoàn trả các đồ dùng nhiều lần mà không cần đặt cọc tiền đã trở thành một văn hóa phổ biến. Lý do chúng tôi có thể biến sự đồng cảm thành hành động là vì chúng tôi đã suy nghĩ rất tỉ mỉ và kỹ lưỡng trải nghiệm của người dùng. Họ đã xem xét và tính toán cẩn thận sao cho các vật dụng ấy thật phù hợp với địa điểm và không khí của các sự kiện. Ví dụ, các hộp đựng và cốc được thiết kế để có thể đựng được nhiều loại đồ ăn khác nhau; đai giữ cốc được thiết kế với hình dáng như vòng cổ để tăng tính tiện lợi; còn túi đựng thì có thể trải ra thành chiếu ăn khi cần thiết. Những người gom rác đã sử dụng màu cam làm màu chủ đạo và một biểu tượng được nhại lại từ bộ phim “Biệt đội săn ma” để tạo nên hình ảnh sinh động, tràn đầy năng lượng rất phù hợp với khung cảnh lễ hội. Những nhân viên hỗ trợ cho lễ hội mặc những bộ đồng phục có ghi dòng chữ “It’s not a big deal” với ý nghĩa “Đó không phải vấn đề lớn” đi lại tại hiện trường và một lần nữa có thể thấy thái độ lạnh lùng và vững vàng của những người gom rác. Đặc biệt tôi thấy hài lòng bởi những từ khóa không thu hút một cách cũ rích như “sinh thái học”, “xanh”, “thân thiện với môi trường”. Đây là lý do tại sao họ có thể thu hút được sự chú ý của nhiều người và làm tốt công việc của mình tại những nơi như lễ hội nhạc underground có phần huyền bí “The Air House”, lễ hội nhạc rock ngoài trời Pentaport ngoài trời có quy mô lớn nhất cả nước, hay ở quán bar “Echo” có giai điệu ấm cúng của Samgakji (tam cốc địa). Nhận thức về thương hiệu có thể thay đổi tùy thuộc vào người tiêu thụ và không gian tiêu thụ, nhưng thương hiệu “Những người gom rác” đã trở thành một cú hích, một xu hướng có tiếng vang trong thời đại khủng hoảng môi trường. Đồ dùng tái sử dụng trong cuộc sống hàng ngày Những người gom rác tuyên bố rằng một khi hệ thống thu gom, làm sạch và cho thuê các vật chứa đa dụng được thiết lập thì việc hạn chế sản phẩm sử dụng một lần sẽ không còn là vấn đề lớn. Câu cửa miệng “It’s not a big deal” khuyến khích mọi người có cách tiếp cận nhẹ nhàng, ít hoài nghi hơn đối với các vấn đề môi trường. Hoạt động của những người gom rác không chỉ giới hạn trong không gian các lễ hội, họ đã bắt tay với nhiều khách hàng ở nhiều lĩnh vực khác nhau như tại những quán cà phê trong các công ty, trong các sự kiện, sân đấu bóng đá, rạp chiếu phim... Trong ba năm qua, vì đại dịch COVID-19 nên nhiều lễ hội đã bị hủy bỏ, nhưng việc thu gom rác là không thể trì hoãn, nên họ không thể không tìm đến các địa điểm mới. Đặc biệt, cùng với việc thực hiện chiến lược ESG (environmental, social and corporate governance), trong vòng một năm lượng khách hàng của Những người gom rác trong các quán cà phê công ty đã tăng gấp hai lần. Những quán cà phê trong nội bộ công ty có quy mô nhỏ hơn các lễ hội, tuy nhiên, nó có ý nghĩa vì đây là cơ hội để có thể thường ngày hóa việc sử dụng đồ dùng sử dụng nhiều lần thay cho đồ dùng sử dụng một lần vì ở đây họ có thể thông báo đều đặn cho mọi người biết về hoạt động của mình. Ngoài ra, các đồ dùng tái sử dụng đã có giá thành cạnh tranh hơn khi các công nghệ làm sạch tự động được ứng dụng rộng rãi. Chiến lược này đã khiến dịch vụ người gom rác được sử dụng một cách tự nhiên. Đồng thời dịch vụ hợp lý và hấp dẫn đã mang đến nhiều đổi thay tích cực. Trong số đó, đặc biệt đáng chú ý là việc lệnh cấm sử dụng đồ dùng một lần ở các lễ hội của thành phố Seoul đã được ban hành. Điều này phát xuất từ những nỗ lực giảm thiểu đồ dùng một lần và sử dụng tài nguyên một cách khôn ngoan của các nhóm, các công ty tư nhân, và sau đó lan tỏa ra toàn xã hội. It’s not a big deal! Phá vỡ chủ nghĩa hoài nghi Một số người đã có những lời lẽ mỉa mai cay độc khi nói về vấn đề môi trường và khí hậu. Rebecca Solnit - nhà phê bình và nhà hoạt động xã hội người Mỹ đã tham gia nhiều phong trào môi trường, nhân quyền và phản đối hạt nhân từ những năm 1980 - cho rằng những người ấy có một tư duy theo kiểu “hoài nghi chất phác”, luôn nghĩ rằng tương lai là không thể tránh khỏi và từ khước mọi trách nhiệm. Để chống lại tình trạng ấy, Những người gom rác đã có một khẩu hiệu để kêu gọi hành động “It’s not a big deal!” là câu nói có là một khẩu hiệu mạnh mẽ tuyên xưng rằng rác thải chỉ là chuyện nhỏ và không hề khó giải quyết. Khẩu hiệu này cũng phù hợp với thông điệp của Rivera Solnit, rằng đừng dừng lại ngay cả khi bạn cảm thấy bất lực và hãy luôn tích cực trước mọi chuyện. Dù lệnh cấm dùng đồ sử dụng một lần ở các quán cà phê đã được ban hành, song ly giấy vẫn được sử dụng rất tùy tiện. Ở nhiều nơi, thay vì sử dụng đai cốc, họ còn chồng cả hai cốc giấy vào nhau để phục vụ đồ uống. Đồ dùng đóng gói đồ ăn để giao đi cho khách ngày càng trở nên đa dạng. Chưa kể, trong thời đại mà mọi thứ đều có thể được đặt và giao đi như thế, lượng rác thải bao bì ngày một tăng. Việc sử dụng túi ni lông tại siêu thị hoặc các cửa hàng đã bị cấm tuy nhiên, quầy rau củ đầy ắp những sản phẩm được đóng gói bằng ni lông nên rác thải là điều không thể nào tránh khỏi. Trước tình cảnh ấy, ta có hoài nghi về sự khả thi của những nỗ lực bảo vệ môi trường, nhưng trước hết hãy nhớ lại thông điệp của những người gom rác. Và hãy nhớ rằng thứ chúng ta cần loại bỏ không chỉ là rác thải mà còn là những năng lượng tiêu cực ngăn cản hành động, khiến tương lai trở nên thuần túy, cũng như sự ích kỷ chặn đứng ý hướng đổi thay. Yoo Da-mi Biên tập viên tự do Dịch. Phạm Hương Giang
1

전체메뉴

전체메뉴 닫기